17/08/2022
Chùa Bà Lê, thuộc xã Hội An, Chợ Mới, là cái nôi nuôi giấu cán bộ cách mạng qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Chùa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1986. Theo lời thuật của cô Ngô Thị Lan (tên thường gọi là Ba Lan), nguyên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận - Chủ tịch UBMT, Bí thư Huyện đoàn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến của huyện Chợ Mới - Một nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.![]() |
Chùa được bà Ông Thị Lê, một người Hoa ở Cái Tàu Thượng xây dựng vào năm 1897 bằng cột tràm, tre lá, mái ngói âm dương, nhằm có nơi cho nhiều người Hoa đến cúng viếng. Đến năm 1900, do hòa thượng Quảng Đạt tiếp nhận chức vụ trụ trì và trùng tu lại ngôi chùa. Ông được mọi người lúc bấy giờ biết đến là một trí thức “theo cách mạng”. Chính vì thế các đệ tử của ông đều được dạy dỗ, nuôi dưỡng lòng yêu nước, thương dân. Chuyện gì có lợi cho dân, cho nước thì cho dù nguy hiểm mấy cũng phải cố gắng. Cũng chính vì thế mà hòa thượng Bửu Đồng, một trong những đệ tử của thầy Quảng Đạt sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia hoạt động từ năm 1930. Đến năm 1945, Hòa thượng Bửu Đồng được kết nạp vào Đảng, phụ trách nhiệm vụ giao liên và nuôi giấu cán bộ. Năm 1945, nơi đây đã trở thành trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến. Tháng 8 năm 1945, toàn quốc giành chính quyền từ tay Nhật - Pháp, trong phong trào cách mạng sôi sục ấy, cơ sở Đảng tại chùa Bà Lê đã liên lạc với các nơi khác, xây dựng tổ chức, kêu gọi nhân dân tập trung tại chùa, tổ chức cuộc biểu tình lớn qua Long Xuyên để mừng ngày độc lập. Cuộc Tổng tiến cử bầu Ủy ban Hành chính xã cũng được diễn ra tại chùa vào năm 1948. Từ năm 1960 – 1975, do chính quyền Mỹ - Ngụy kiểm soát gắt gao nên lực lượng cách mạng phải hoạt động bí mật. Bà Ngô Thị Lan, cũng chính là con của thầy Ngô Bửu Đồng, người đã phụ cha làm nhiệm vụ thời đó nhớ lại: “Chiều lại thì mấy chú đến, lúc đó bọn lính đi dập dìu ngoài đường có khi ra tới ngoài chợ. Lúc đó khoảng năm 63, 64, 65. Chiều 4 giờ là má cô nấu cơm, 5 giờ rưỡi mấy chú ăn xong. Nếu tình hình ổn mấy chú tắm xong là mang đồ đi. Nói là đồ, chứ chỉ cái quần cụt, cái áo ngắn tay. Không thì cái bà ba, cái quần ni - long dầu. Nói chung ở thường xuyên là 4 giờ khuya, ông Sáu (tức thầy Bửu Đồng) thức dậy cúng. Má cô ba Lan thì nấu cơm cho mấy anh ăn, xem tình hình không có gì mới vào phòng, trải chiếu nằm. Còn bữa nào bọn lính nó vô, thì mấy anh có khi 6 người, 7 người cũng có vào cái tủ vách đôi được thầy Bửu Đồng thiết kế đặc biệt hòng qua mắt bọn lính. Chứ không có làm hầm. Nói nào ngây ông Lê Hưng Nhượng, ổng nói thôi chùa mình tai tiếng lắm rồi, từ hồi năm 45 mà dài dài tới năm 50 rồi tập kết, cho đến sau này nữa. Nếu như mình làm hầm thì nó phát hiện mình chết liền. Bây giờ làm cái tủ thiệt là lớn vách đôi trên nóc tủ thì má cô để nồi, soong, chén, bát,… Mình phải biết cách ngụy trang chứ không thôi đứng như vậy là bị ló cái chân. Mới lấy bộ ván ngựa thật giầy, kê theo chân tủ, có gì lên đó đứng. Mỗi một lần lính nó vô nó ở từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới đi là ngày đó mấy ổng mệt. Chiều ra xưng chân hết. Lon sữa guigzo (Ghi gô) hồi xưa đó để vô có hai lon nước với 4, 5 gói mì thôi mà 6, 7 người sao đủ ăn. Cũng đâu dám nhai như bình thường, chỉ bẻ một miếng nhỏ ngậm tan hết rồi cho một miếng nước thấm giọng thôi, bởi đi tiểu cũng không được. Mỗi khi đi về đều phải có mật hiệu, đi mấy giờ, mấy ngày về. Khi nào về thì gõ ngay phòng Ba cô 3 cái. 4 cái cũng không được 5 cái cũng không được, hai cái cũng không phải. Bọn chúng cũng gõ thử mình hoài, chúng nó theo dõi, nhưng không có đúng. Tội nghiệp anh tư Hải (tức ông Lê Ngọc Vệ), lúc đó là Bí thư, sau giải phóng mới làm Chủ tịch. Bữa đó ảnh nói với Ba cô đi 2, 3 ngày mới về Mùa nước đi xuống ấp chiến lược nước ngập tới ngực, đi vào nhà ông hai Đờn với chị hai Lê Thị Niên, chồng chỉ sau này là liệt sĩ ông làm ở chỗ làm súng đạn cho mình. Nhưng đi chỉ tới mương Ba Cọc thì gặp thằng lính đang đứng hút thuốc, canh chờ Việt Cộng. Thấy vậy, nên quay trở về chùa. Lúc đầu Ba của cô đâu dám mở, bởi vì anh mới nói đi hai ba ngày mới về, bì gì bị gõ hoài. Ba của cô mới ra đứng nghe gõ cọc cọc ba cái ảnh kêu anh Sáu ơi tui về. Tui tư Hải nè! Ba cô mới bảo ông gõ thêm cái nữa coi, cái gõ 3 cái nữa ông mới mở cửa ra. Thì nhìn thấy ảnh ước run như cầy sấy.”
Suốt thời gian nuôi chứa mấy chú ở hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Dù luôn bị tình nghi, cho người mật phục bất kể đêm ngày, nhưng với sự cẩn trọng của thầy Bửu Đồng, cộng với phần hỗ trợ đắc lực của cô ba Lan, bọn lính không tìm được bất cứ manh mối nào, các anh, các chú vẫn đảm bảo an toàn. Tuy vậy, chúng quyết bắt lầm còn hơn bỏ sót. Năm 1969, viên xã trưởng đã bắt nhốt thầy Bửu Đồng và bà Ngô Thị Lan. Trong suốt thời gian bị giam cầm (thầy Bửu Đồng bị giam suốt 14 tháng, bà Ngô Thị Lan bị giam 3 năm), dù bị giải qua nhiều nhà tù lớn - nhỏ từ Long Xuyên cho đến Cần Thơ, rồi ra tận Thủ Đức với nhiều hình thức tra tấn dã man, như: “đổ xà bông”, chích điện,… Nhưng cả hai đã không khai nửa lời. Cô Ngô Thị Lan, nhớ lại:
“Cái thằng cai tổng Mẫn, Tổng trưởng của đại đội 348 dọng cho cô 2 cái giày 2 bên mặt bầm đen như con chim mèo. Một tháng trời nó không tan máu bầm. Tới khi giải về Long Xuyên vẫn còn. Mấy thằng kia thì nó nói thôi thả đi nhưng thằng xã trưởng thì bảo “Con này mà thả gì?”. Bắt đầu nó mới giải về Chợ Mới cũng đánh một trận dữ tợn. 7h chiều là nó kêu đi rồi đến 8 giờ 30 một tiếng rưỡi đồng hồ thả về. Có bữa nó quay điện cô, hể nó cuộc lỗ tai trái thì với ngón tay phải, tai phải thì dưới ngón tay trái. Phải nói cuộc tai phải với chân phải là bị liệt luôn. Tra tấn rồi nó mở cửa gỗ cửa sắt bên trên thì nó làm toàn dây chì gai không. Đàn ông leo còn không được huống chi đàn bà, phụ nữ. Nó mở cửa đẩy vô phòng giam thì cô nằm một cái bịch, cái bao bố tời nhúng nước mà liệng xuống dưới đất.”
Nhờ sự chở che của cả hai mà hàng trăm cán bộ đã được bảo vệ an toàn. Đó chính là thế hệ của ông Nguyễn Văn Hơn, Nguyễn Văn Của, Lê Hồng Chư, Huỳnh Văn An, Lê Thị Nhan… đến những lớp thế hệ trẻ như Lê Thị Pha, Nguyễn Hữu Lê, Lê Hồng Tươi,… và cũng chính nơi đây đã đào tạo nên đội ngũ chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, trong đó có nữ Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng.
Trải qua giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ, chùa Bà Lê đã không ít lần bị hư hỏng, xuống cấp, có khi bị phá hỏng phần chánh điện, chỉ còn phần hậu tổ. Thấy vậy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân chung tay đóng góp để xây dựng lại ngôi chùa khang trang, tươm tất. Hiện khuôn viên chùa, nay được mở rộng, trang trí với nhiều loại cây kiểng, rợp bóng mát. Bên trong chùa gồm có 3 khu chính: Chánh điện, hậu tổ và nhà trù. Tại chánh điện, thờ các Phật và các La hán. Còn gian hậu tổ, thờ các vị tổ, hòa thượng có công xây dựng chùa. Đặc biệt, chùa còn dành riêng bàn vong, thờ các vị anh hùng liệt sĩ và người có công cách mạng của địa phương. Ngày nay, vào những ngày rằm lớn, người dân địa phương và Phật tử khắp nơi thường đến chùa cúng bái. Bên cạnh đó, mỗi năm vào các dịp đông nhất là vào dịp lễ 30/4, 27/7 chùa còn thu hút hàng ngàn lượt học sinh, thanh niên, nhà nghiên cứu… đến tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử nổi tiếng qua 2 thời kỳ kháng chiến.
Hằng năm, đều tổ chức chuyến du khảo về nguồn tại chùa Bà Lê, cô Nguyễn Thị Ngọc Quý - Tổng phụ trách đội Trường tiểu học A TT Chợ Mới, bày tỏ:
Các em học sinh khi được đi đến đây các em rất vui, vì vào đây được nghe bà Ba (Ba Lan) kể lại chuyện các cô, chú tham gia kháng chiến, từ đó em thấy càng tự hào qua những chứng tích còn để lại, cũng như sự kiên cường, bất khuất của các cô, chú đã tham gia kháng chiến của thầy Bửu Đồng, cô Ba Lan,…những người đã hết lòng cho sự nghiệp cách mạng. Cũng nhờ đó mà các em sẽ có sự quyết tâm cố gắng học tốt hơn, chăm ngoan hơn để thành người có ích sau này”.
Thời kháng chiến, đây là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngần ấy năm kháng chiến là ngần ấy năm chùa Bà Lê dồn hết số lúa, gạo thu hoạch được từ 100 công đất mà bà Ông Thị Lê để lại, làm kinh phí phục vụ cho các anh, em, cô chú cán bộ cách mạng.
Hòa bình lập lại, số ruộng đất của nhà chùa hơn phân nửa được đem chia sớt cho bà con nghèo của xã theo chính sách “Nhường cơm sẻ áo” lúc bấy giờ. Với những đóng góp như thế, chùa xứng đáng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Nơi góp phần giáo dục bao thế hệ trẻ ra sức học tập, thành những mầm xanh tương lai, để đền đáp công ơn của ông, cha đã không tiếc máu, xương dành lại độc lập, tự do cho quê hương đất nước. Ngoài ra, nơi đây còn chung sức vào công tác an sinh xã hội, xây dựng quê hương bằng việc mỗi khi địa phương kêu gọi xây cất cầu, làm đường, nhà chùa cũng nhiệt tình đóng góp. Bình quân mỗi năm đều vận động từ trên 200 phần quà cùng chính quyền địa phương trao tặng bà con nghèo khó khăn như gạo, mì, các nhu yếu phẩm,… trị giá từ 200 ngàn đồng mỗi suất./.
Kiều Tiên – Bảo Dinh
Hình ảnh hoạt động
Video Clip
Góp ý XD Đảng, XD Chính quyền
Hoạt động Ban thường trực
Hoạt động các tổ chức thành viên
Hoạt động Quỹ "Vì người nghèo"
Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Hoạt động xây dựng nông thôn mới
Hoạt động các Hội đồng tư vấn
Tin tức sự kiện
Văn bản hướng dẫn
Đại hội MTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024-2029
Làm theo gương Bác