23/06/2025
Thời Pháp thuộc, đại bộ phận nông dân cả nước và nông dân Châu Phú là nạn nhân khốn cùng của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Nông dân làm thuê, cày mướn quá vất vả, làm quần quật từ sáng đến tối mịt vẫn đói khổ. Còn lĩnh canh đất thì mọi chi phí người tá điền gánh chịu. Sau mỗi vụ thu hoạch phải nộp tô cho điền chủ. Nếu gặp năm thiên tai thất mùa, nông dân không có lúa đóng nộp thì phải đi vay với lãi suất rất cao. Ngoài ra, người dân còn phải đóng thuế thân, nếu không có tiền đóng thuế thì phải bị bắt, bị cùm, đánh đập dã man và đi tù. Nông dân ngày càng lâm vào cảnh bần cùng, nhiều người chịu không nổi phải tha phương cầu thực. Lòng căm thù của nông dân đối với địa chủ và thực dân Pháp ngày càng gay gắt, chờ dịp bộc phát đấu tranh.![]() |
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Sách lược vắn tắt của Đảng đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, năm 1933 chi bộ xã Mỹ Đức đã thành lập tổ chức “Nông hội đỏ” do ông Trương Công Hựu phụ trách. Nông dân được tập hợp sinh hoạt dưới các hình thức như hội tương tế, ái hữu, đờn ca, thể dục thể thao để tuyên truyền cách mạng, kể chuyện lịch sử khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc tạo thành phong trào quần chúng hoạt động cách mạng sôi nổi. Trong năm 1936, nông dân các xã Thạnh Mỹ Tây, Cái Dầu, Mỹ Đức đã đấu tranh đòi địa chủ giảm tô, không ức hiếp tá điền. Trước khí thế của phong trào nông dân, bọn địa chủ lo sợ, chấp nhận các yêu cầu của nông dân. Đây là điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ Châu Phú tập hợp và tổ chức đội quân chính trị quần chúng, đưa phong trào cách mạng chuyển lên một bước mới. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, tại huyện Châu Phú ông Nguyễn Văn Phó (Sáu Phó) được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh. Các xã lần lượt lập bộ máy hành chính, đoàn thể như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc. Các đoàn thể đã tích cực hoạt động thu hút nhiều hội viên tham gia góp phần cho tổ chức Mặt trận Việt Minh được tăng cường vững chắc. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm lập các tổ chức như: Hiệp hội nông dân, Nghiệp đoàn dân cày, lợi dụng tình hình này Huyện ủy Châu Phú đã đưa nông dân nồng cốt vào, phát động nhân dân đấu tranh chống tăng tô thuế, chống cướp đất của dân, với kết quả: Tại xã Mỹ Đức, Chi bộ tổ chức cho ông Năm Mừng hướng dẫn 13 nông dân làm đơn đưa lên nghiệp đoàn Châu Đốc và lên Sài Gòn đấu tranh, buộc tên địa chủ Bang Xái phải trả lại 300 công đất cho nông dân và giảm thu tô từ 4,5 giạ/công, hạ xuống còn 2,5 giạ/công. Tại xã Bình Mỹ, có hơn 150 nông dân kéo lên Châu Đốc đấu tranh đòi giảm tô thuế, đòi không được bắt, đánh người vô cớ. Nông dân xã Vĩnh Thạnh Trung đấu tranh không đóng tô và nhổ bỏ trụ đá cắm ranh đất của địa chủ. Tại xã Thạnh Mỹ Tây, đồng chí Đào Hữu Cảnh - Bí thư chi bộ đã tổ chức xử tử tên Lê Văn Chỉnh, “cặp rằn” của bà Phán Nhơn, trong lúc tên này đi thu tô và bắt cảnh cáo tên “cặp rằn” Thích. Vận động nông dân không đóng tô, tổ chức xua đuổi bọn địa chủ dùng máy cày ruộng giựt đất của nông dân và tiến hành nhổ bỏ các trụ đá cắm ranh đất của địa chủ. Vận động ông Lương Văn Khoái (Năm Khoái) và hơn 50 nông dân tập trung tại chùa Bửu Hương Tự kêu gọi không đóng tô cho địa chủ Mười Thăng và làm đơn kéo lên Châu Đốc khiếu nại. Hầu hết địa chủ ở Châu Phú đều nhận được thư cảnh cáo và sự giáo dục của cách mạng, các địa chủ không dám thu tô và trả lại đất cho nông dân. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước. Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền Châu Phú tập trung lãnh đạo nhân dân nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khôi phục đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề văn hóa xã hội, từng bước ổn định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Qua năm 1976, Đảng bộ, chính quyền Châu Phú xác định nhiệm vụ số một là đẩy nhanh sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giải quyết cái ăn và thiếu lương thực lúc giáp hạt. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ sản xuất lúa mùa nổi 1 vụ/năm sang trồng lúa 2 vụ/năm có năng suất cao hơn. Tuy nhiên việc chuyển đổi mô hình sản xuất gặp khó khăn do nông dân đã quen với tập quán canh tác truyền thống, chỉ có một số ít địa phương thực hiện. Năm 1978, nước lũ lớn dâng cao làm lúa mùa nổi thất thu, diện tích mất trắng gần 50%, sau khi lũ rút nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên nông dân sản xuất được mùa bội thu, bước đầu hình thành được vùng sản xuất lúa 2 vụ/năm ở các xã Mỹ Đức, Khánh Hòa, Vĩnh Thạnh Trung, Bình Long, Bình Mỹ và Bình Thủy. Về công tác tổ chức cán bộ Hội Nông dân huyện, từ năm 1976 Huyện ủy phân công đồng chí Trần Văn Vĩ (Năm Vĩ) làm Trưởng Ban công tác Nông dân huyện, đồng chí Đinh Công Tâm và đồng chí Mười Giao làm Phó Trưởng Ban công tác nông dân huyện. Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78 về việc tổ chức “Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam” từ Trung ương đến cơ sở. Huyện ủy Châu Phú đã thành lập Hội Liên hiệp Nông dân tập thể huyện Châu Phú khóa I, nhiệm kỳ 1979 – 1982, chỉ định đồng chí Mai Trung Tín (Năm Nhỏ) làm Chủ tịch Hội, đồng chí Nguyễn Văn Sắc và Đỗ Thành Khuyên làm Phó Chủ tịch Hội. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 42 về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành “Hội Nông dân Việt Nam” cho đến ngày nay. Về hoạt động từ năm 1976 đến những năm 1980, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo công tác đào kênh để thực hiện chủ trương “Thủy lợi hóa” dẫn thủy nhập điền với mục tiêu là mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất sản lượng tiến tới xuất khẩu hàng nông sản. Hội Liên hiệp Nông dân tập thể huyện Châu Phú đã vận động nông dân đào kênh, đào mương bằng thủ công với hàng trăm công trình thủy lợi, hình thành hệ thống kênh ngàn ngang dọc. Kết quả đã cải tạo đất vùng sâu, vùng xa như: xã Ô Long Vĩ, Đào Hữu Cảnh, Bình Chánh, Bình Phú từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú. Ngày nay hầu hết nông dân Châu Phú biết áp dụng các quy trình, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu chọn giống, bón phân cho đến thị trường đầu vào, đầu ra. Cơ giới hóa thay cho sức người từ khâu làm đất bằng máy cày, sạ giống, bón phân, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt dập liên hợp.
|
|
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú qua các thời kỳ |
|
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển từ năm 1975 đến năm 2025, các cấp Hội Nông dân huyện Châu Phú đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân huyện, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua như: Kết nạp hội viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội, đào tạo dạy nghề cho nông dân, tạo nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, hỗ trợ cho nông dân vay vốn sản xuất tại các ngân hàng. Thực hiện các mô hình: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Nông dân sáng tạo kỹ thuật, thực hiện bảo vệ môi trường”. Các phong trào thi đua của Hội Nông dân huyện đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện. Tổ chức Hội các cấp từng bước trưởng thành, vững mạnh, hàng năm có 100% hội cơ sở và 95% chi hội đạt tiêu chuẩn vững mạnh, đội ngũ cán bộ hội được đào tạo về chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới của đất nước, góp phần rất lớn trong thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện qua các thời kỳ. Điều đó khẳng định tổ chức Hội Nông dân huyện Châu Phú thực sự là trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở huyện Châu Phú./. |
Đoàn Văn Hiển - Châu Phú
Hình ảnh hoạt động
Video Clip
Góp ý XD Đảng, XD Chính quyền
Hoạt động Ban thường trực
Hoạt động các tổ chức thành viên
Hoạt động Quỹ "Vì người nghèo"
Cuộc Vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Hoạt động xây dựng nông thôn mới
Hoạt động các Hội đồng tư vấn
Tin tức sự kiện
Văn bản hướng dẫn
Đại hội MTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2024-2029
Làm theo gương Bác