Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
Bộ Y tế trả lời kiến nghị cử tri An Giang về lĩnh lực y tế
Tin tức sự kiện

Bộ Y tế trả lời kiến nghị cử tri An Giang về lĩnh lực y tế

02/04/2025

Ngày 12/3/2025, Bộ Y tế có công văn số 1388/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Nội dung trả lời kiến nghị cử tri như sau:

Responsive image

- Kiến nghị sớm tổ chức thực hiện cụ thể việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người theo Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó, tại điểm 2.2. Đối với lĩnh vực y tế quy định: “Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể”.

Để tổ chức thực hiện cụ thể nội dung trên, ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1098/TTg-QHĐP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó, giao Bộ trưởng Bộ Công Thương “Tổ chức thực hiện cụ thể việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người”.

Ngày 16/01/2025, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ban hành Chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, giao Bộ trưởng Bộ Y tế xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Hiện nay để thực hiện 02 nhiệm vụ Chính phủ giao tại Quyết định số 150/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã dự thảo Quyết định, gửi xin ý kiến các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Quyết định và ngày 07/02/2025, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 164/TTr-BYT trình Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện.

Nội dung dự thảo Quyết định, bao gồm 03 phần chính:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chế tài xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến các đối tượng bằng các hình thức phù hợp;

- Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quy định tại Nghị quyết là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới;

- Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành quản lý, văn bản hướng dẫn thực hiện quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Nghị quyết.

Đối với việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Qua rà soát, Bộ Y tế nhận thấy hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, quảng cáo hàng cấm đã có các chế tài xử phạt tại Điều 8 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 33 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Điều 190, 191 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, chưa có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi “chứa chấp” và “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Do vậy, Bộ Y tế đã bổ sung mức phạt và hành vi “chứa chấp”, “sử dụng” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định đang thực hiện quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sau khi nhận được các ý kiến, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, chỉnh sửa và trình Chính phủ ban hành theo quy định.

- Cử tri tiếp tục phản ánh mức đóng tham gia bảo hiểm y tế tăng cao nhưng chất lượng phục vụ khám chữa bệnh của các cơ sở y tế chưa tương xứng với nhu cầu và mong đợi của người dân. Cử tri đề nghị ngành y tế có biện pháp hiệu quả trong việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5% mức tiền lương hoặc lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.

Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Tại điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và khoản 11, Điều 1, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

Thiên Di

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: