- Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bãi bỏ quy định về cộng điểm khi thực hiện xét tuyển bậc đại học vì không còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phát triển giáo dục hiện nay của đất nước.
Trong bối cảnh đất nước phát triển, điều kiện thụ hưởng văn hoá của người học tại các vùng miền đã thu dần khoảng cách, năm 2020, trên cơ sở tổng kết đánh giá công tác tuyển sinh, trên cơ sở tiếp thu ý kiến và sự đồng thuận cao của thí sinh, cơ sở đào tạo, bộ, ngành, tại Quy chế tuyển sinh đã quy định giảm mức điểm ưu tiên từ 0,5 xuống 0,25 điểm giữa các khu vực. Tiếp đó, tại Quy chế tuyển sinh ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT đã tiếp tục điều chỉnh quy định về điểm ưu tiên, giảm dần điểm ưu tiên khi thí sinh đạt cận điểm tối đa xét tuyển.
Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và chính sách của Đảng và Nhà nước trong mỗi giai đoạn, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy định này nhằm bảo đảm công bằng cho các thí sinh và bảo đảm chất lượng nguồn đào tạo.
- Cử tri kiến nghị ngành Giáo dục xem xét điều chỉnh sĩ số trong một lớp học nên từ 25 - 30 học sinh, hạn chế việc dồn lớp, ghép lớp ở các cấp học để đảm bảo việc giảng dạy được chất lượng, hiệu quả, giáo viên có điều kiện quan tâm, theo dõi, hướng dẫn việc học tập của học sinh được kịp thời, sát sao hơn.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 127/NĐ-CP ngày 21/9/2018 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục theo chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục tại địa phương.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Thông tư số 32/2020/TT- BGDĐT ngày 15/9/2020, ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể số học sinh trong mỗi lớp học theo hướng giảm sĩ số học sinh trên lớp; bảo đảm mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh”.
Do vậy, việc quy định sĩ số học sinh lớp học do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định không vượt quá tối đa 45 học sinh cấp trung học và không vượt quá tối đa 35 học sinh cấp tiểu học.
- Hiện nay, học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi sẽ được tặng thưởng, tuyên dương, hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian sau, các học sinh này dường như ít được quan tâm hơn so với thời điểm được khen thưởng. Cử tri kiến nghị có những chính sách và biện pháp thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ với học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi mang tính chất xuyên suốt nhằm ghi nhận nỗ lực và thành tích của các em, tạo điều kiện và động lực để phát huy hơn nữa năng lực học tập và triển vọng trong giai đoạn sau đó.
Học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi là những nhân tài, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để bồi dưỡng, phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ này, nhằm góp phần xây dựng một nền giáo dục và nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ học sinh giỏi trong quá trình học tập, như: chính sách về chế độ khen thưởng; chính sách xét tuyển thẳng, ưu tiên tuyển sinh đối với học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; các chương trình học bổng, hỗ trợ tài chính để khuyến khích và tạo điều kiện học tập cho học sinh giỏi, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tố chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, các chương trình đào tạo dành riêng cho học sinh có năng khiếu trong các lĩnh vực trọng điểm.
Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học sinh giỏi sau khi tốt nghiệp và trong quá trình lao động, công tác, tiêu biểu như: ban hành quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội,... đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục; hỗ trợ nghiên cứu, sáng tạo, tạo điều kiện để học sinh giỏi tiếp tục phát huy năng lực trong môi trường làm việc phù họp; cơ chế ưu tiên tuỵển dụng đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục phối họp với các bộ, ban, ngành rà soát, nghiên cứu đế tham mưu, đề xuất các chế độ chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ nhân tài của đất nước, bảo đảm các em học sinh giỏi có điều kiện phát triển toàn diện, góp phần cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
- Hiện nay, biên chế giáo viên bậc mầm non chưa đảm bảo trong bối cảnh khối lượng công việc rất nhiều và chi phí sinh hoạt ngày càng cao dẫn đến áp lực lớn cho đội ngũ giáo viên. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, tăng biên chế giáo viên mầm non, đồng thời tăng phụ cấp ưu đãi và các chế độ phù hợp để đội ngũ giáo viên bậc mầm non yên tâm công tác.
1. Về đề nghị tăng biên chế giáo viên mầm non
Việc giao biên chế cho các địa phương hiện nay do Trung ương thực hiện trên cơ sở Đề án vị trí việc làm của các địa phương. Các địa phương thực hiện phân bổ số biên chế được giao cho các ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý (trong đó có biên chế ngành Giáo dục) phù hợp với tình hình thực tiễn. Do đó các địa phương cần phân bổ, sử dụng biên chế được giao một cách linh hoạt, hiệu quả; tăng cường thực hiện tự chủ, xã hội hóa các đơn vị thuộc nhóm ngành dễ thực hiện và ở các vùng thuận lợi để ưu tiên biên chế cho ngành Giáo dục (trong đó có biên chế giáo viên mầm non) phù hợp với quy mô trường, lớp, học sinh của địa phương.
Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số giáo viên hiện có, báo cáo Trung ương bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024-2025 trong tổng số biên chế được bổ sung giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, nghiên cứu, dự báo nhu cầu giáo viên giai đoạn 2026-2030 để báo cáo Trung ương xem xét tiếp tục bổ sung biên chế ngành Giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển giáo dục của các địa phương.
Cùng với các giải pháp của Trung ương, đề nghị tỉnh An Giang không thực hiện tinh giản biên chế bằng cách cắt giảm cơ học số biên chế giáo viên được giao; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông (theo báo cáo, năm học 2023-2024 tỉnh An Giang còn 791 biên chế giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa sử dụng). Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; thu hút giáo viên về công tác tại địa phương và bố trí kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111 của Chính phủ bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
2. Về đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi và các chế độ phù hợp đối với giáo viên bậc mầm non
Chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2006/TT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Theo đó, giáo viên mầm non đang được hưởng các mức phụ cấp ưu đãi từ 35% đến 70% tùy theo từng vùng.
Hiện tại, Bộ GDĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức ngành Giáo dục, trong đó đã đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non.
|