Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
Khô cá lóc Thoại Sơn tất bật vụ Tết
Cuộc vận động "NVNƯTDHVN"

Khô cá lóc Thoại Sơn tất bật vụ Tết

22/01/2024

Những ngày giáp Tết, nhiều nghề truyền thống rộn ràng vào vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm. Nghề làm khô cũng nằm trong guồng quay tất bật đó.

Responsive image
 

Chúng tôi ghé Cơ sở sản xuất khô cá lóc 7 Chóp (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) những ngày giáp Tết, guồng quay tất bật của việc sản xuất, mua bán khô những ngày này khiến ta cảm nhận mùa Xuân đang đến rất gần.

Cô Ngô Thị Tuyết Dung (Cơ sở sản xuất khô cá lóc 7 Chóp) cho biết, cơ sở đang tập trung sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết. Cơ sở đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Cô Dung cho biết, bắt đầu quy trình chế biến là đánh vảy cá, rửa sạch, rồi chuyển sang mổ cá. Đây là công đoạn rất quan trọng, vì nếu xẻ cá không đúng cách sẽ làm thịt cá bị hư, hình dáng xấu. Cá được rửa lại bằng nước sạch, rồi tiếp tục ướp gia vị: Đường, muối, bột ngọt, ớt… Khi ướp đủ thời gian, đến công đoạn cuối cùng là phơi cá. Cá thường được phơi 2 - 3 nắng. Vừa chia sẻ, đôi tay cô Dung thoăn thoắt với công việc sơ chế khô cá lóc bước đầu.

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là thời điểm người dân ở huyện Thoại Sơn sống bằng nghề làm cá khô bước vào vụ mùa sản xuất hối hả, với mong muốn cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm khô cá ngon, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân dịp Tết.

Theo đó, cá lóc được chế biến thành khô một nắng, khô miếng, khô sợi, được đóng gói theo trọng lượng 500gr và 1kg, với giá bán từ 300.000 - 400.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.

Trên địa bàn thị trấn Núi Sập có khoảng 6 cơ sở làm khô cá lóc, chủ yếu sử dụng lao động trong gia đình. Các hộ kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Để phát triển thương hiệu, các hộ làm khô ở Thoại Sơn đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, sân phơi, tủ trưng bày sản phẩm nên tạo được thương hiệu bởi uy tín và chất lượng.

Khoe chứng nhận sản phẩm khô cá lóc 7 Chóp đã đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm 3 sao), cô Ngô Thị Tuyết Dung rất phấn khởi. Với giá bán ổn định 220.000 đồng/kg, khô cá lóc của cô Dung được rất nhiều người ưa chuộng bởi giá cả hợp lý và hương vị thơm ngon đặc trưng.

“Mỗi ngày, cơ sở 7 Chóp làm khoảng 100kg cá tươi. Những ngày gần Tết, có thể tăng số lượng gấp đôi. Trung bình, 5kg cá tươi mới chế biến thành 1kg khô. Nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương nên rất ổn định. Gắn bó với nghề làm khô cá lóc khoảng 40 năm, tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Không chỉ bán cho khách hàng tại địa phương, nhiều khách ở các tỉnh lân cận, TP. Hồ Chí Minh trở thành “mối” quen khi mua sản phẩm của cơ sở dùng thử. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, mỗi ngày khi phơi xong, tất cả khô đều phải được bảo quản trong tủ đông với nhiệt độ thích hợp” - cô Dung thông tin.

Tất bật với các công đoạn làm khô cá lóc, chị Lê Thị Đẹp (ấp Trung Phú 4, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết, công đoạn làm cá khá cầu kỳ. Theo đó, cá lóc tươi sau khi làm sạch, tách xương, tẩm ướp gia vị phù hợp thì phải ủ lạnh ngay, lựa khi có nắng tốt mang ra phơi.

Khi hết nắng hoặc gặp lúc trời mưa, nắng yếu, phải thu gom lại trữ vào tủ đông, lựa lúc nắng gắt mới mang ra phơi tiếp. Cách bảo quản như thế nhằm giúp con khô luôn tươi, không bị bủng, hạn chế ruồi nhặng bám vào khô và không sử dụng chất đuổi ruồi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Khô là món ăn dân dã được biếu tặng nhiều vào dịp Tết. Thế nên, năm nào tôi cũng tìm mua khô cá lóc để tặng người thân, bạn bè. Việc lựa chọn những cơ sở uy tín luôn được tôi quan tâm, bởi ai cũng muốn mang đến món quà Tết chất lượng gửi đến những người thân yêu” - anh Nguyễn Lâm (xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) bày tỏ.

Theo các chủ cơ sở chế biến khô cá lóc ở Thoại Sơn, làm khô, công đoạn nào cũng quan trọng. Từ chọn mua nguyên liệu, chế biến sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi đến phơi và đóng gói, tất cả đều phải được quan tâm, chăm chút thì sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường.

Khô cá lóc muốn ngon thì công đoạn phơi, trở rất quan trọng. Thường phơi 3 - 4 nắng là đạt, còn phơi quá nắng khô sẽ co héo lại, mất đi vị ngon. 

Bình Thanh (ST) - Nguồn: Báo An Giang Online

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: