Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
An Giang đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm OCOP
Cuộc vận động "NVNƯTDHVN"

An Giang đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm OCOP

27/04/2023

Với việc ngày càng có nhiều sản phẩm của An Giang đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đặt ra yêu cầu phải đa dạng hóa kênh phân phối cho doanh nghiệp (DN) và chủ thể sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ ngành chuyên môn, địa phương đến DN, cũng như cộng đồng trách nhiệm giữa các DN với nhau.

Responsive image

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: “Nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng hóa kênh tiêu thụ, chúng tôi đã phối hợp Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam (Công ty Phan Nam) tổ chức chương trình kết nối đưa sản phẩm OCOP, đặc sản An Giang vào chuỗi cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam. Đây là một trong rất nhiều hoạt động mà trung tâm đã thực hiện để hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh đa dạng hóa kênh phân phối và thị trường tiêu thụ. Trước đây, chúng tôi đã kết nối hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) và các sàn thương mại điện tử”.

Theo ông Lê Trung Hiếu, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Công ty Phan Nam là một trong nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Tuy nhiên, sự khác biệt là công ty đã sẵn sàng tham gia với ngành chuyên môn trong nỗ lực phát triển thị trường cho các sản phẩm này. Hiện nay, nhiều đối tác trong cả nước quan tâm đến sản phẩm OCOP của An Giang. Đây là cơ hội để các DN, hộ kinh doanh mở rộng thị trường. Tuy nhiên, muốn bán được nhiều sản phẩm thì các DN, hộ kinh doanh cần chủ động trong việc quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh phân phối.

“Theo xu hướng hiện nay, các DN không thể chỉ thông qua mỗi việc bán trực tiếp sản phẩm, mà phải tham gia vào nhiều hình thức phân phối khác nhau. Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ DN An Giang tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee và sắp tới là trên nền tảng TikTok. Muốn thành công, chúng ta phải kiên trì và tiến từng bước thật vững chắc trong quá trình khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của An Giang” - ông Hiếu cho hay.

Giám đốc Trung tâm XTTM&ĐT An Giang đề nghị các DN, chủ thể sản phẩm OCOP cần tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Điển hình như đặc sản mắm Châu Đốc, nhiều cơ sở sản xuất đã có hướng giảm vị ngọt của mắm để phù hợp với khẩu vị các vùng miền. Đặc biệt, ông Nguyễn Phụng Hoàng đã phát triển gói bột mắm với khối lượng vừa đủ, chứ không đóng gói lớn khiến khách hàng ngại mua vì không dùng hết trong thời gian ngắn.

Cùng thực hiện mục tiêu đa dạng hóa kênh phân phối cho sản phẩm OCOP và các đặc sản của tỉnh An Giang, Công ty Phan Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện. “Chúng tôi rất tâm huyết với mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh An Giang.

Do đó, công ty đã phát triển chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trong thời gian qua, nhằm góp phần đa dạng hóa kênh phân phối cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Khi thực hiện hoạt động này, chúng tôi sẽ là cầu nối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn. Ngược lại, các DN cần tích cực cải tiến mẫu mã sản phẩm để bắt mắt khách hàng, khuyến khích tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (đại diện Công ty Phan Nam) chia sẻ.

Bà Trinh thông tin thêm, trong năm 2023, Công ty Phan Nam sẽ tập trung phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử vì đây là xu thế chung của xã hội. Hiện nay, người dân bắt đầu thích mua hàng thông qua bấm chọn trên điện thoại thông minh, thay vì phải di chuyển đến cửa hàng hay các khu chợ. Điều này đòi hỏi cộng đồng DN, hộ kinh doanh và công ty phải thích ứng theo.

“Cần triển khai thực hiện các gói quà từ chính sản phẩm OCOP của An Giang để đáp ứng nhu cầu du khách. Cùng với đó, ngành chuyên môn và địa phương hỗ trợ đưa hệ thống cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam vào danh mục các điểm dừng chân của công ty du lịch, lữ hành, khi họ có đoàn khách đến An Giang. Khi du khách tiếp cận các giỏ quà thì sẽ có nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ cùng lúc. Ngoài ra, việc hỗ trợ các DN nguồn vốn để thực hiện sản phẩm quà tặng kèm theo cũng là biện pháp kích cầu, quảng bá cho sản phẩm OCOP An Giang vươn xa hơn nữa” - bà Trinh đề xuất.

Với mục tiêu đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm, anh Tạ Minh Thiện (Cơ sở sản xuất Minh Thiện, TP. Châu Đốc) mong muốn sản phẩm rượu thốt nốt của mình sẽ được vào hệ thống cửa hàng nông sản an toàn Phan Nam. Ngoài ra, anh cũng muốn sản phẩm này xuất hiện trong giỏ quà OCOP của tỉnh trong thời gian tới.

“Tôi sẽ tăng cường đầu tư mẫu mã sản phẩm theo hướng bắt mắt, sang trọng hơn để phù hợp với tiêu chí quà tặng. Ngoài ra, sẽ tiếp tục phát triển thêm sản phẩm rượu vang thốt nốt để mở rộng đối tượng khách hàng, giúp sản phẩm dễ tiếp cận thị trường hơn. Rất mong ngành chức năng, các sở, ngành tỉnh và địa phương sẽ có những giải pháp hỗ trợ để những DN, hộ kinh doanh sản phẩm OCOP như chúng tôi có điều kiện mở rộng kênh phân phối và tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trong thời gian tới” - anh Tạ Minh Thiện đề nghị.

Minh An st (nguồn Báo An Giang online)

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: