Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
Tấm gương học Bác trong sự nghiệp trồng người
Học tập và làm theo tấm gương Bác

Tấm gương học Bác trong sự nghiệp trồng người

12/01/2019

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

    Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh” gắn với phương châm “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đã trở thành trọng điểm thi đua của trường THPT Ung Văn Khiêm, huyện Chợ Mới. Với mỗi cán bộ, giáo viên (GV), việc học và làm theo Bác không phải là làm những việc lớn lao, cao siêu, mà ngay từ trên bục giảng, từ các trang giáo án và trong cuộc sống đời thường. Thầy Nguyễn Thanh Huy, sinh năm 1989 cũng học ở Bác từ những việc làm bình dị hàng ngày và vận dụng chúng một cách sáng tạo vào công tác chuyên môn. Thầy là một tấm gương tiêu biểu cho sự ham học hỏi, nỗ lực phấn đấu không ngừng, cùng sự nhiệt tình, giàu lòng nhân ái hướng đến các em học sinh (HS).

    Thầy Huy quê ở xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới), sau khi tốt nghiệp trường Đại học An Giang năm 2011 với ngành sư phạm Vật lý, thầy đã đậu kỳ thi tuyển về công tác ở trường THPT Ung Văn Khiêm – xã Long Kiến cho đến nay. Tâm huyết, yêu nghề cùng với sự chịu khó, cần cù ham học hỏi, không ngần ngại tiếp thu những góp ý của các GV đi trước là một điểm nhấn quan trọng trong “triết lý” làm nghề giáo của mình. Đây vừa là biện pháp, vừa là cẩm nang giúp cho thầy Huy luôn hoàn thành xuất sắc công tác giảng dạy chuyên môn cũng như trong vai trò là chủ nhiệm lớp, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến. Đối với thầy điều quan trọng để giáo dục HS chính là GV phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, từ lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng đến cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh,… sao cho chuẩn mực. Đặc biệt phải nằm lòng những bài học, những lời dạy của Bác Hồ với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục. Thầy chia sẻ:

   “Việc học theo tư tưởng của Bác, mình học từ lúc đi học, học cho bản thân cũng học từ những việc cụ thể: tiết kiệm, đôi khi mình vào cơ quan phần đèn, quạt mình đôi lúc cũng không để ý, chỉ cần những việc đó mình thấy mình cũng tiến bộ lên. Hoặc thái độ phục vụ nhân dân, mọi hoạt động ưu tiên học trò: mọi cơ sở vật chất thiếu phòng nhưng Ban giám hiệu cũng ưu tiên dành 2 phòng cho các em học Công nghệ thông tin, các hoạt động vui chơi cũng vậy, sân bãi ở trường thiếu nhưng vẫn ưu tiên cho HS trước, hoặc là trên lớp có nhiều đối tượng HS nhưng mục đích cuối cùng của người thầy là giúp tất cả các em nắm được bài. Đối với người thầy còn có nhiệm vụ giảng dạy học trò, cách cư xử, thái độ với thầy cô, không phải thiên về kiến thức không - những em có thái độ không đúng với thầy, cô trong nội qui cũng qui định rõ ràng, xử lý các em rất nặng, giảng dạy về đạo đức”.

    Thời gian ở trường, thầy luôn hòa đồng với đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến thiết thực với tổ bộ môn, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với đồng sự, tích lũy thêm kiến thức cho bản thân và áp dụng được những cách truyền đạt bài giảng tốt nhất để cho HS dễ hiểu, dễ nắm bài. Trong công tác, thầy luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành, vận dụng nhạy bén những thành quả đạt được từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể, tích cực tham gia các phong trào do ngành phát động như: Giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học… Chính sự yêu nghề, yêu trò, nhiệt tình, năng nỗ, vừa làm, vừa học – với những thành tích đạt được như: Giải B về sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua cơ sở, giấy khen của Huyện ủy về thành tích học và làm theo Bác tiêu biểu trong 2 năm liền, đặc biệt thầy còn là người đầu tiên trong nhà trường đạt giải nhất hội thi soạn bài giảng E- learning cấp tỉnh, được nhiều GV và lãnh đạo ngành giáo dục cấp huyện cũng như cấp tỉnh đánh giá cao... là những thành quả xứng đáng cho bao cố gắng lao động miệt mài của người GV trẻ.

    Trong giảng dạy, thầy luôn đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng các giờ thực hành, làm bài tập và phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động của học sinh. Thầy luôn trăn trở: Làm sao để có phương pháp giảng dạy khoa học, hiệu quả để cho các em nắm vững được kiến thức, làm bài tốt trong các kỳ thi và có đủ hành trang để tiếp tục bước vào chinh phục các ngành, các lĩnh vực khác ngoài xã hội sau này. Với nhiệt huyết đó, thầy chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm bài thi môn Vật lý:“Môn Vật lý, phạm vi kiến thức hơi rộng so với các môn khác, trách nhiệm của mình phải giúp HS hệ thống lại, một cách cô đọng, có đường dây liên hệ giữa các nội dung, giúp các em giảm áp lực nội dung kiến thức. Yêu cầu làm bài thi trắc nghiệm, số lượng câu so với thời gian không phải giống như những câu tự luận, cho nên trong khi học tập kiến thức phải rèn luyện thêm kỹ năng làm bài, mỗi câu phải hướng dẫn các em, tìm được đáp án một việc nhưng làm sao phải tìm nhanh đáp án khi làm bài”.

    Ngoài công tác chuyên môn, thầy Huy còn là một nhân tố tích cực, tiêu biểu trong các phong trào và hoạt động của Đoàn trường. Từ Phó bí thư Chi đoàn đến Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường, nhiệm vụ nào thầy cũng đều hoàn thành ở mức cao nhất. Thầy luôn xông xáo tham gia hoạt động như: Tiếp sức mùa thi, sinh hoạt hè, cùng với chuỗi các chương trình chào mừng năm học mới, lồng ghép kỹ năng sống vào các tiết học chính khóa, phát động phong trào giúp đỡ bạn nghèo qua việc thu gom giấy vụn, vỏ lon, tổ chức đêm văn nghệ gây quỹ hỗ trợ cho HS khó khăn tại trường... Đáng quí nhất ở thầy là tình yêu thương, sự đồng cảm chân thành đối với các học trò. Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng khi biết những trường hợp HS lớp mình chủ nhiệm có hoàn cảnh nghèo, thầy sẵn sàng xuất tiền túi hỗ trợ cho các em những phần quà nhỏ hoặc tham mưu cho Ban lãnh đạo nhà trường ưu tiên cho các em nhận học bổng của trường từ các mạnh thường quân. Với hàng xóm, láng giềng thầy luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, tích cực cùng nhân dân trong xây dựng khu dân cư văn hóa, đóng góp vào các loại quỹ giúp đỡ người nghèo, xây dựng cầu, đường nông thôn,…

    Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Ung Văn Khiêm - Thầy Nguyễn Trung Trực, nhận xét: “Thầy Nguyễn Thanh Huy một trong những người trẻ, năng động chuyên môn rất vững vàng. Luôn luôn tận tình với HS, giúp đỡ các em HS có học lực yếu, kèm cặp cho các em có đủ kiến thức, học tập vững vàng hơn, những em học lực giỏi thầy động viên, khuyến khích, phát huy tài năng của các em. Bên Đoàn thầy Huy là người sốt sắn làm việc rất tốt, giúp Đoàn trường đạt nhiều kết quả cao, một trong những người tham gia phong trào trường đề ra rất tốt. Đặc biệt trong việc thực hiện Chỉ thị 05 học tập và làm theo lời Bác, thầy Huy là một trong những tấm gương điển hình ở nhà trường”.

    7 năm đứng trên bục giảng, với các nhiệm vụ được phân công như: Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy chuyên môn, tham gia công tác đoàn,.... gương mẫu làm theo lời Bác, thầy không ngừng phấn đấu, học hỏi, sáng tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm, đối với mình nghiêm khắc, đối với người chân tình, thẳng thắn, đối với việc tận tụy, học hỏi để tự hoàn thiện. Thầy không tự bằng lòng với những gì đạt được, vẫn không ngừng phấn đấu tu dưỡng rèn luyện cả về trình độ chuyên môn, lẫn trau dồi đạo đức lối sống, thầy xứng đáng là một “kỹ sư tâm hồn” của trường THPT Ung Văn Khiêm – một ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học của huyện Chợ Mới./.

Bảo Dinh – Hồng Đào (Đài Truyền Thanh Chợ Mới)

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: