Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
An Giang chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường
Cuộc vận động "NVNƯTDHVN"

An Giang chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường

15/12/2022

Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương An Giang triển khai kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các mặt hàng bình ổn tập trung chủ yếu vào gạo, thịt heo, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, xăng dầu và gas.

Responsive image
 

1.374 tỷ đồng dự trữ hàng hóa

Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp (DN). Hiện, đã có 24 DN chủ lực của tỉnh (tăng 1 DN so kế hoạch năm 2021) đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Dự kiến, tổng số tiền dự trữ khoảng 1.374 tỷ đồng, tăng 17,2% so năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… 169 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 1.205 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 420 đại lý, cửa hàng, điểm bán bán hàng bình ổn thị trường. Trong đó,113 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm và 307 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Thời gian thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường từ ngày 20/11/2022 đến hết 28/1/2023 (nhằm ngày 27/10 năm Nhâm Dần 2022 đến hết ngày 7/1 năm Quý Mão 2023).

Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết, các điểm bán hàng bình ổn thị trường bố trí rộng khắp tỉnh, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Nguồn hàng dự trữ gạo các loại 2.240 tấn; thịt heo 1.100 tấn; thịt gà, vịt 630 tấn; 23.417 trứng gia cầm; 134 tấn đường ăn; 2.164 lít dầu ăn; 1.850 tấn gia vị (muối, nước mắm, nước tương…); 1.734 tấn rau củ quả; 17.509 tấn thủy hải sản tươi, đông lạnh; 5.072 tấn thực phẩm công nghệ (đã chế biến); 2.950 tấn bánh, mứt, kẹo; 45.267 lít xăng dầu; 1.909 bình khí dầu mỏ hóa lỏng (gas)...
Qua chương trình góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán. Đồng thời, phát huy vai trò của DN chủ động nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do DN trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý...

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho DN tham gia bình ổn thị trường có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Thành Huân cho biết, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước đã phục hồi đáng kể sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2022, thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ diễn ra khá sôi động, DN tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá hợp lý, thu hút khách hàng trong dịp lễ Noel và chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Ngoài kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, đơn vị đã có phương án điều tiết hàng hóa khi thị trường biến động. Hiện nay, tại mỗi địa phương có 5-6 cửa hàng tiện ích và 1-2 siêu thị (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, huyện Thoại Sơn và TX. Tân Châu) cung ứng hàng hóa cho địa phương.

Trong trường hợp thiếu nguồn hàng cung ứng, các DN điều chuyển nguồn hàng từ siêu thị, cửa hàng tiện ích địa phương khác cùng chung hệ thống để hỗ trợ nguồn cung, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của người dân khi cần. Đồng thời, tùy theo tình hình thực tế sẽ bố trí xe gắn máy hoặc xe chuyên dùng để cung ứng hàng hóa. Khi có nhu cầu, công ty sử dụng xe tải vận chuyển lương thực, thực phẩm đến điểm tập kết để phân phối trực tiếp cho người dân. Trường hợp xe tải không đến được khu vực sẽ sử dụng xe gắn máy để vận chuyển.

Theo sát diễn biến thị trường

Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết để chủ động phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, ổn định thị trường khi cần thiết. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động liên quan đến bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các hoạt động bình ổn thị trường, điểm bán hàng bình ổn.

Để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương An Giang phối hợp Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn và Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp… tổ chức 13 chuyến hàng và 1 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong tháng 12/2022, đảm bảo cung ứng đa dạng hàng hóa thiết yếu (nhu yếu phẩm, hàng bách hóa tiêu dùng, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…) với chất lượng, giá cả phù hợp cho người dân. Dự kiến tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn giữa nhà sản xuất, chế biến với các cơ sở kinh doanh, phân phối và giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị, thành có kế hoạch sắp xếp, bố trí khu vực bán hàng phục vụ Tết, chợ hoa xuân; yêu cầu hộ kinh doanh trong chợ sắp xếp hàng hoá ngăn nắp, gọn gàng, đảm bảo mỹ quan, văn minh chợ. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực chợ; bố trí lực lượng bảo vệ trực 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống xảy ra.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại... Kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.
“Trong quá trình thực hiện, Sở Công Thương An Giang sẽ chủ động thông tin và tiếp tục mời DN tham gia bình ổn thị trường, tạo nguồn cung ổn định, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ từ nay đến Tết Nguyên đán” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết.

 

Thanh Phong st (nguồn Báo An Giang Online)

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: