Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
Học ở Bác tính cần cù - chịu khó
Học tập và làm theo tấm gương Bác

Học ở Bác tính cần cù - chịu khó

09/04/2020

Đối với chị Nguyễn Thị Thu Trang sinh năm 1986, một kỹ thuật viên nông nghiệp của xã Hội An thì tấm gương đạo đức của Bác Hồ thật vĩ đại nhưng lại rất giản dị, gần gũi mà ai cũng có thể học tập và làm theo. Với chị, điều làm chị tâm đắc và nằm lòng khi nghĩ về Bác đó là bản thân phải không ngừng học hỏi đức tính cần cù, chịu khó trong lao động để phát triển kinh tế gia đình và tìm ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân ở địa phương.

Responsive image
 

    Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên được tạo điều kiện cho ăn học. Để chọn một cái nghề vừa giúp người nhà giảm bớt phần khó nhọc với ruộng lúa, bờ rau, vừa không làm phụ lòng cha mẹ đã dày công dành dụm muốn con mình gắn bó với con chữ chứ không phải cây cuốc, cái cày. Tốt nghiệp lớp 12, chị thi vào Trường Đại học An Giang với ngành nông nghiệp. 4 năm đại học, có được tấm bằng trong tay, mặc cho lời mời của nhiều nơi với mức lương cao, chị Trang khăn gói về quê quyết tâm góp sức cho địa phương mình. Ban đầu chị được bố trí phụ trách công tác phụ nữ xã, thời gian sau được bố trí vào đúng chuyên môn là kỹ thuật viên nông nghiệp xã Hội An. Với bản tính cần cù chịu khó, ham học hỏi, sau khi đã quen với công việc được giao, chị quyết định tìm ra cho mình và gia đình 1 mô hình làm sao không ảnh hưởng đến nhiệm vụ tại đơn vị, lại phát huy được sở trường vốn có trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy là sau thời gian tìm hiểu, chị chọn cho mình mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, chị tâm sự:  
“Trước tiên mình suy nghĩ là mình làm trước, rồi khi nào làm có hiệu quả mình sẽ nhân rộng cho bà con biết. Nếu ai có mạnh dạn đầu tư thì đầu tư theo. Thứ nhất là cũng xuất phát từ yêu thích nông nghiệp, thứ 2 là không có cây nào mang lại giá trị cao so với cây dưa lưới hiện tại.”
    Nói là làm, với chị thì chỉ cần mình có quyết tâm, biết học hỏi, biết lắng nghe thì không có gì là không thể. Tận dụng 3 công đất rẫy của gia đình, ban đầu chị bắt tay vào xây dựng nhà màng. Khi ấy có nhiều người khuyên chị trồng theo cách truyền thống, lỡ khi thất bại cũng nhẹ vốn hơn. Bởi trên diện tích 500 m2, chi phí làm nhà màng, kể cả lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động trên 200 triệu đồng. Lúc này chị lại không có vốn mà phải đi vay mượn. Quyết tâm là phải thực hiện, vậy là hơn 1 tháng mọi việc được hoàn thiện, chị bắt tay vào xuống giống lứa dưa đầu tiên. Tuy là kỹ sư nông nghiệp, nhưng do tuổi đời còn khá trẻ lại ít kinh nghiệm. Biết điểm yếu của mình nên hễ nơi nào đã có trồng dưa lưới trong nhà màng, hay anh em nào có kinh nghiệm chia sẻ là chị hết lòng học hỏi. Lần thu hoạch đầu, tuy năng suất không cao nhưng bù lại bán được giá, mỗi ký 35 ngàn đồng, trên diện tích 500 m2 chị thu về hơn 1 tấn rưỡi dưa. Trừ đi chi phí, lợi nhuận được hơn 20 triệu đồng, sau hơn 2 tháng gieo trồng. Với chị lúc này đã là thành công lớn là nguồn động viên để chị tiếp tục phát triển thêm mô hình và khẳng định rằng chị đã chọn đúng hướng đi cho mình.
“Ban đầu ai cũng ngán hết, bỏ ra 5 – 700 triệu, mà bán từng vụ mình thu lại, trong vòng 2 năm mình mới thu lại được. Bởi vậy, nhằm khi người ta ngán. Nhưng mà đối với tui thì tui nói, mình thất bại mình mới tự mày mò ra. 1 ngàn dây đâu phải trồng sống hết 1 ngàn dây đâu, nhằm khi tới đợt thu hoạch còn được 800 dây là mừng rồi đó.”
    Đến nay chị Trang đã mở rộng được 3 nhà màng trồng dưa lưới, diện tích trên công. Hai năm trải nghiệm, hai năm góp nhặt kinh nghiệm, giờ chị đã có thể nói là bản thân tương đối đủ kinh nghiệm để chia sẻ lại kinh nghiệm cho những ai muốn chuyển hướng sang một mô hình mới.
“Nó chỉ có cái khó khăn là đầu tư vốn ban đầu quá cao, với lại đòi hỏi kỹ thuật. Nói chung tui cũng theo 5, 7 vụ nay thì giống như mình cũng mày mò học, phần học trên mạng, học với mấy anh em xung quanh thì kinh nghiệm của mình hiện tại chấp nhận được, sản xuất được cây dưa lưới mang lại lợi nhuận từ 30 – 50%. Còn nông dân ai mà mạnh dạn đầu tư tui cũng sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, tui biết cái gì tui chia sẻ hết mình.”
Thế mới thấy, thành công không phân biệt nam hay nữ, người đó là ai, tuổi đời ra sao. Mà thành công đến với chúng ta ở việc người đó dám làm, biết học hỏi, biết không ngừng nỗ lực vượt khó đứng lên sau những lần thất bại. Chị tâm sự: Nhớ lại lúc trước nhà có 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ chưa giáp thôi nôi. Khi đó mỗi tháng thu nhập chính của 2 vợ chồng chủ yếu dựa vào đồng lương hơn 3 triệu mỗi tháng trả cho 1 kỹ thuật viên, còn chồng làm công an viên xã thì thấp hơn. Cả 2 vợ chồng cộng lại mỗi tháng thu nhập không quá 6 triệu đồng. Với hơn 3 công đất của cha mẹ cho, nếu cho mướn mỗi năm thu về không quá 10 triệu đồng. Chỉ đủ trang trải sinh hoạt, có tiết kiệm lắm cả năm chỉ dư tầm vài triệu đồng. Nhưng hiện nay hơn 2 năm thực hiện mô hình, mỗi năm trừ hết chi phí thu về hơn 200 triệu đồng.
    Theo chị Trang dưa lưới là một loại cây trồng không khó chăm sóc, chủ yếu chúng ta phải quan sát theo dõi nó mỗi ngày, phòng khi có sâu bệnh để kịp xử lý. Điểm đáng chú ý ở mô hình này là mọi công đoạn từ tưới nước, bón phân đều được cài tự động bởi hệ thống tưới nhỏ gọt. Đến thời gian ấn định là hệ thống tự khởi động tưới, phân thuốc cũng được pha trực tiếp vào nước, nên không tốn nhiều thời gian. Và tất cả các loại phân thuốc của chị sử dụng đều là phân sinh học, thân thiện môi trường nên trái dưa lưới chị làm ra là sản phẩm sạch, không có bất kỳ hàm lượng chất hóa học nào, được người tiêu dùng ưa chuộng, mua ở giá cao. Nói về kinh nghiệm để đạt năng suất cao trong khi trồng dưa lưới, chị chia sẻ:
“Trong quá trình trồng dưa lưới muốn trái to, chất lượng, khâu quan trọng là chọn giống. Thứ 2 là công thức phân, nếu mình làm không đúng công thức thì trái nó sẽ nhỏ mà chất lượng không ngon. Bởi vậy, thời gian mình bố trí lượng nước, với công thức phân không đúng thì trái dưa sẽ nhỏ, ăn không ngon.”
    Hiện 3 nhà màng của chị Trang còn góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương với mức lương mỗi tháng từ 3 triệu trở lên. Riêng những ngày cắt dưa, số nhân công có thể tăng lên gấp đôi. Được ngành chuyên môn đánh giá là mô hình thành công nhất của huyện Chợ Mới. Từ thực tế mang lại, một tin vui cho chị là Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang đã quyết định hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho chị xây dựng thêm 1 nhà màng diện tích nửa công (tương đương 500 m2), vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng.
   Xuất sắc trong mô hình phát triển kinh tế gia đình, luôn được đánh giá cao ở vai trò là kỹ thuật viên nông nghiệp xã. Qua 9 năm công tác chị Nguyễn Thị Thu Trang luôn được các cấp biểu dương khen thưởng, không chỉ là một tấm gương cho chị em phụ nữ noi theo với một mô hình khẳng định hiệu quả đáng để cho nhiều nông dân học hỏi, áp dụng mà còn góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất của người cán bộ, hội viên ở địa phương. Tấm gương một người phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, chịu khó, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương như chị Nguyễn Thị Thu Trang thật đáng được biểu dương và nhân rộng. 
Chia tay, chị nói với chúng tôi như tâm sự: Có được như ngày hôm nay, bản thân tôi học được rất nhiều điều từ lời Bác dạy về tính cần cù, chịu thương, chịu khó, phải không nản lòng trước khó khăn thử thách thì tôi nghĩ chuyện gì cũng thành công./.

 

Kiều Tiên – Hải Đăng (Đài TT huyện Chợ Mới)

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: