Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh An Giang
Tứ Sơn suy nghĩ về phát triển sản phẩm OCOP trong tình hình hiện nay
Cuộc vận động "NVNƯTDHVN"

Tứ Sơn suy nghĩ về phát triển sản phẩm OCOP trong tình hình hiện nay

08/04/2021

Từ năm 2019, An Giang đã triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Sau gần 2 năm thực hiện, chương trình bước đầu đạt được kết quả khích lệ. Là doanh nghiệp (DN) kinh doanh siêu thị lớn nhất tỉnh An Giang, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn (TP. Châu Đốc) khẳng định và đánh giá rằng: “Chương trình phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của từng vùng, miền là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực cho hàng Việt Nam và DN địa phương phát triển bền vững”.

Responsive image
 

 

Ông Sơn cho rằng: “Nếu phát triển OCOP theo hướng bền vững, sẽ có nhiều điểm lợi. Trước hết là phát triển được năng lực sản xuất và khai thác tài nguyên bản địa của địa phương, vận hành được công suất, năng suất của DN một cách thực tế và cụ thể. Kế đến là hình thành trong tiềm thức của người Việt khái niệm về hàng Việt Nam. Nếu nói xa hơn ở thương trường quốc tế là “Made in Viet Nam”. Bởi vì tôi đã từng đi rất nhiều nước, mỗi quốc gia đều có một danh xưng, đầu tiên là sắc thái bản địa của địa phương, rồi hình thành đến danh xưng cho một quốc gia đó. Tôi đã từng gặp những dòng sản phẩm Made in VietNam ở nước ngoài, khi cầm sản phẩm trên tay tôi rất tự hào và hãnh diện.

Hiện, chúng ta ở trong điều kiện phát triển kinh tế mà nhà nước mở cửa giao thương với tất cả các nước trên thế giới. Điều kiện thuận lợi để các nước đến đây và họ gặp những dòng sản phẩm ở đất nước Việt Nam, họ sẽ có tâm trạng như tôi. Chính những yếu tố này, tôi thấy rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các tỉnh đẩy mạnh hình thành sản phẩm OCOP là việc làm cần thiết và mang lại lợi ích cho DN hôm nay và thời gian tới.

Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm OCOP thành công, bền vững, ông Sơn nêu ý kiến: “Có thể chúng ta xây dựng chậm, nhưng mỗi bước đi sẽ được cộng hưởng, kết nối theo hướng phát triển bền vững, mà vấn đề bền vững phải giải quyết được bài toán: chất lượng và số lượng, cộng nhu cầu, thị hiếu và xu hướng thị trường”.

Ông Sơn chia sẻ: “Kinh nghiệm thực tế, đứng về góc độ thương mại, kinh doanh, xác định rõ lộ trình sẽ bền vững. Không nên phát triển ồ ạt, chạy theo chỉ tiêu, thành tích trong năm phải có 100 sản phẩm, 1 quý phải có 30 sản phẩm, nơi này có thì chúng ta phải có. Đã là kinh tế cần tính toán hiệu quả và phát triển bền vững. Không nên đặt vấn đề phát triển OCOP mang tính phong trào, đạt mục đích, yêu cầu chung, mà không dựa vào nền tảng chất lượng cộng số lượng, thị hiếu và xu hướng thị trường”.

Bên cạnh đó, sự vận động của DN, sự cộng hưởng của DN với chủ trương, chính sách của nhà nước, sự vận động về tư duy là một trong những quyết định thành công hay không đối với một sản phẩm OCOP.

Ông Sơn chia sẻ: “DN trước khi đề xuất hay trước khi có một ý tưởng đưa một dòng sản phẩm để các cơ quan có liên quan công nhận đạt OCOP, việc đầu tiên DN nên nhìn thẳng vào xu hướng thị trường, xem xu hướng thị trường có chấp nhận, có bằng lòng, thích hay không và sản phẩm đưa ra người tiêu dùng có biết đến hay không. Nếu trước khi hình thành một sản phẩm OCOP mà DN không đặt vấn đề này là điều kiện quan trọng nhất thì xác suất thành công sau khi được công nhận một sản phẩm đó sẽ khó đi vào thị trường ổn định. Người ta thường nói, khi mua anh phải biết cái này của tôi và khi đưa ra thị trường thì mọi người nhìn vào họ sẽ biết cái này là cái gì và của ai. Đây là điểm mấu chốt mà các DN chưa quan tâm nhiều”.

Thực tế khi làm việc với các DN cho thấy, một số DN nghĩ, tôi đạt OCOP là sự công nhận của cộng đồng, tất cả mọi người, như vậy họ đến với tôi hơn là tôi đến với họ. Nếu chúng ta suy nghĩ người tiêu dùng tự thân phải tìm đến với hàng hóa, đây là cách nghĩ sai lầm. Người tiêu dùng tự tìm đến hàng hóa chỉ có thể là dòng sản phẩm với giá trị bề dày lịch sử, thương hiệu lâu năm, nổi tiếng; còn sản phẩm mới hình thành hay khởi nghiệp thì chủ thể sản phẩm phải tìm tới người tiêu dùng.

Đánh giá rất cao chủ trương của quốc gia, của tỉnh và tâm huyết muốn góp phần phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, được người tiêu dùng chấp nhận, ông Sơn trăn trở, suy nghĩ và đang xúc tiến hình thành một khu vực bán hàng OCOP các địa phương, trong đó ưu tiên sản phẩm của An Giang đưa vào siêu thị.

Ông Sơn còn trăn trở cách làm như thế nào khi đưa các sản phẩm OCOP vào trong siêu thị phải “trụ” được bền vững, được thị trường đón nhận. “Làm kinh doanh và cái tâm của người làm kinh tế, tôi không bao giờ chấp nhận ngày khai trương khu bán hàng hoành tráng, sau đó đìu hiu” - ông Sơn phân tích. Ủng hộ quyết tâm này của siêu thị, hiện UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang kết nối các tỉnh, thành phố xúc tiến đưa hàng vào siêu thị.

Ông Sơn cho biết, đến nay đã có hơn 26 tỉnh, thành phố gửi các danh mục hàng hóa OCOP về cho Tứ Sơn. Siêu thị đang lựa chọn sản phẩm phù hợp, lên kế hoạch, tính toán, cân nhắc từng dòng sản phẩm phù hợp, thiết kế mô hình để chuẩn bị ra mắt khu bán hàng OCOP các tỉnh, thành phố, dự kiến trong tháng 4-2021 khánh thành, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm OCOP.

 

Hạnh Châu

Hình ảnh hoạt động

Video Clip

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập:
  • Tổng lượt Truy cập: